Chiến lược marketing mix được coi là chìa khóa thành công đối với bất kì doanh nghiệp nào ở mọi lĩnh vực ngành nghề và không kể quy mô lớn nhỏ. Bất kỳ nhà quản trị nào khi muốn lan tỏa sản phẩm của mình đến công chúng đều dành sự quan tâm đến chiến lược marketing mix. Vậy chiến lược marketing mix là gì và cách áp dụng chúng ra sao trong doanh nghiệp? Hãy cùng Aslanr Agency tìm hiểu sâu hơn trong bài viết sau đây nhé!
1. Chiến lược marketing mix là gì?
Chiến lược marketing mix là một trong những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện một cách khôn ngoan để có thể đưa ra các quyết định marketing thành công cho một sản phẩm hoặc dịch vụ. Bốn chữ P trong chiến lược marketing mix bao gồm: sản phẩm (product), giá (price), xúc tiến (promotion) và phân phối (place).
Chiến lược marketing mix cung cấp một loạt các yếu tố liên quan đến hoạt động marketing cho một sản phẩm, trong đó bao gồm những gì khách hàng mong muốn, cách sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng, cảm nhận của khách hàng về sản phẩm dịch vụ, các lợi thế cạnh tranh so với đối thủ và cách doanh nghiệp tương tác với khách hàng của mình.
Kể từ khi chiến lược marketing mix ra đời vào những năm 1950, các chữ P mở rộng khác đã được bổ sung thêm bên cạnh 4 chữ P gốc, bao gồm: con người (people), quy trình (process) và cơ sở vật chất hữu hình (physical evidence).
Lưu ý:
- Chiến lược marketing mix là yếu tố cốt lõi cho hoạt động marketing một sản phẩm hoặc dịch vụ
- 4 chữ P trong chiến lược marketing mix bao gồm sản phẩm (product), giá (price), xúc tiến (promotion) và phân phối (place)
- Khái niệm về chiến lược marketing mix đã bắt đầu xuất hiện từ những năm 1950. Theo thời gian, ngành công nghiệp marketing dần phát triển, các chữ P được bổ sung bên cạnh 4Ps gốc bao gồm con người, quy trình và cơ sở vật chất hữu hình
2. Hiểu thêm về chiến lược marketing mix và một số ví dụ
Neil Borden, một giáo sư ngành quảng cáo tại đại học Harvard là người đã khiến các khái niệm về chiến lược marketing mix – sau này được biết đến rộng rãi hơn với cái tên 4Ps – trở nên phổ biến hơn và những năm 1950. Ấn phẩm “Khái niệm Marketing Mix” vào năm 1964 của ông đã chỉ ra những chiến thuật quảng cáo mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để thu hút người tiêu dùng của họ.
Nhiều thập kỷ sau, các khái niệm mà giáo sư Borden đã đưa ra vẫn được các doanh nghiệp áp dụng để quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình.
Theo thời gian, các ý tưởng và khái niệm mà giáo sư đưa ra đã được hoàn thiện và phát triển sâu sắc hơn bởi các công ty chủ chốt trong ngành. E. Jerome McCarthy, một giáo sư marketing tại Đại học Michigan State đã tinh chỉnh lại những khái niệm trong cuốn sách của giáo sư Borden và đặt tên cho chúng là “four Ps”(bốn chữ P) trong marketing. McCarthy là đồng tác giả của cuốn sách “Marketing cơ bản: Phương pháp tiếp cận quản lý” và đưa những ý tưởng này trở nên phổ biến hơn.
Vào thời điểm những ý tưởng này được giới thiệu, chúng đã giúp các doanh nghiệp phá vỡ rào cản vật lý ngăn cản việc quảng bá sản phẩm của mình rộng rãi hơn. Ngày nay, đã có Internet là một công cụ đắc lực giúp các công ty vượt qua rào cản này.
Con người, quy trình và cơ sở vật chất hữu hình là phần mở rộng của chiến lược marketing mix 4Ps gốc và có liên quan đến xu hướng marketing hiện tại.
Mẹo nhỏ: Bất kỳ chiến lược marketing thành công nào cũng nên được kiểm soát và điều chỉnh theo thời gian. Chiến lược marketing mix mà doanh nghiệp đưa ra không thể tồn tại mãi theo thời gian. Nó cần được điều chỉnh cho phù hợp khi sản phẩm của doanh nghiệp phát triển và cơ sở khách hàng thay đổi.
Một số ví dụ về chiến lược marketing mix có thể kể đến như:
- Phân phối sẽ đề cập đến nơi người tiêu dùng mua sản phẩm của doanh nghiệp hoặc nơi họ tìm hiểu, khám phá sản phẩm đó. Người tiêu dùng ngày nay có thể tìm hiểu về sản phẩm và mua chúng thông qua các kênh trực tuyến, các ứng dụng trên điện thoại thông minh, tại các điểm bán lẻ hoặc thông qua chuyên gia bán hàng.
- Giá đề cập đến chi phí của sản phẩm hoặc dịch vụ. Việc xác định giá sản phẩm một cách hợp lý bao gồm các công việc như phân tích về đối thủ cạnh tranh, nhu cầu của khách hàng, chi phí sản xuất và ngân sách người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu. Có thể cân nhắc nhiều mô hình định giá khác nhau.
- Sản phẩm mà một công ty cung cấp phụ thuộc vào loại hình công ty và các giá trị mà họ cung cấp. Ví dụ, McDonald’s cung cấp thức ăn nhanh trong một không gian đơn giản nhất, họ có thể mở rộng các dịch vụ của mình sẽ không đi xa bản sắc cốt lõi đã đề ra từ đầu.
- Xúc tiến bán đề cập đến việc đưa ra các chiến dịch quảng cáo cụ thể nhằm tiếp cận thị trường mục tiêu cho sản phẩm. Một công ty có thể sử dụng nhiều loại chiến dịch khác nhau như chiến dịch Instagram, chiến dịch quan hệ công chúng, vị trí quảng cáo, chiến dịch email hoặc kết hợp nhiều loại chiến dịch để tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu ở đúng nơi.
3. Các chữ P trong chiến lược marketing mix
3.1. Product – Sản phẩm
Nhiệm vụ đầu tiên khi doanh nghiệp muốn triển khai một chiến dịch marketing đó là cần hiểu rõ về sản phẩm của mình. Ai là người cần nó và lý do tại sao họ lại cần sản phẩm này. Điểm khác biệt của nó so với đối thủ cạnh tranh là gì? Có thể đó là vì sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp là một ý tưởng hoàn toàn mới và hấp dẫn cả về thiết kế hoặc chức năng đến nỗi người tiêu dùng sẽ phải sở hữu ngay khi nhìn thấy.
Nhiệm vụ của các marketers lúc này đó là xác định những đặc tính, điểm vượt trội của sản phẩm và giới thiệu nó đến người tiêu dùng.
Xác định chính xác đặc tính của sản phẩm cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình phân phối. Các marketers cần hiểu rõ chu kỳ sống của sản phẩm để có thể đưa ra những kế hoạch phù hợp với mỗi chu kỳ nhất định.
Rất nhiều những sản phẩm thành công trên thị trường là sản phẩm dẫn đầu trong danh mục sản phẩm. Ví dụ như Apple là thương hiệu đầu tiên tạo ra điện thoại thông minh màn hình cảm ứng có thể phát nhạc, lướt Internet và gọi điện. Apple đã báo cáo tổng doanh thu của iPhone là 71,6 tỷ USD trong quý 1 năm 2022. Trong đó, năm 2021, Apple đạt cột mốc 2 tỷ chiếc iPhone được bán ra.
3.2. Price – Giá
Giá là số tiền mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho một sản phẩm. Các marketers sẽ phải liên kết giá cả với giá trị thực và giá trị cảm nhận của sản phẩm, đồng thời xem xét chi phí cung ứng, chiết khấu theo mùa, giá của đối thủ cạnh tranh và giá bán lẻ để có thể đưa ra những quyết định về giá phù hợp nhất.
Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể nhắm vào tâm lý của người tiêu dùng bằng cách tăng giá sản phẩm để tạo vẻ ngoài sang trọng hoặc độc quyền. Hoặc doanh nghiệp cũng có thể giảm giá để nhiều người tiêu dùng thử và biết đến sản phẩm của mình hơn.
Các marketers cũng cần xác định chính xác thời điểm và liệu việc chiết khấu có phù hợp hay không. Giảm giá có thể thu hút nhiều khách hàng hơn, nhưng nó cũng có thể tạo ấn tượng với khách hàng rằng sản phẩm ít được mong đợi hơn so với ban đầu.
UNIQLO có trụ sở chính tại Nhật Bản và là nhà sản xuất quần áo trên toàn cầu. Giống như các đối thủ cạnh tranh của mình là Gap và Zara, UNIQLO cung cấp các sản phẩm may mặc thời trang giá rẻ cho những người mua trẻ tuổi.
Điều làm nên sự độc đáo của UNIQLO đó là các sản phẩm mang tính sáng tạo với chất lượng cao. Để có thể sản xuất ra những sản phẩm như vậy, UNIQLO đã mua vải với số lượng lớn, liên tục tìm kiếm những nguyên liệu có chất lượng cao nhất với chi phí thấp nhất trên thế giới. Công ty cũng trực tiếp đàm phán với các nhà sản xuất của mình và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nhà sản xuất sáng tạo của Nhật Bản.
UNIQLO cũng hợp tác với các nhà sản xuất đối tác để đảm bảo quy trình sản xuất của mình. Điều này đã mang lại cho công ty sự linh hoạt trong việc thay đổi đối tác sản xuất phù hợp hơn mỗi khi nhu cầu thay đổi.
Cuối cùng, công ty sử hữu một đội ngũ các nhân viên dệt lành nghề, những nhân viên này sẽ được công ty gửi đến các nhà máy đối tác trên toàn thế giới để kiểm tra chất lượng của sản phẩm.
3.3. Place – Phân phối
Phân phối bao gồm những hoạt động như cân nhắc xem sản phẩm sẽ được bày bán ở đâu, trong các cửa hàng truyền thống hay trực tuyến? Mục tiêu của các doanh nghiệp đó là luôn đưa sản phẩm của mình đến gần với người tiêu dùng mục tiêu, những người có nhiều khả năng mua chúng nhất.
Điều đó có nghĩa là chỉ cung cấp sản phẩm ở một số cửa hàng nhất định và để sản phẩm đó được trưng bày với vị trí lợi thế tốt nhất.
Thuật ngữ vị trí cũng đề cập đến việc quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện truyền thông phù hợp để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Ví dụ, bộ phim GoldenEye năm 1995 là phần thứ 17 trong loạt phim về James Bond và là phần đầu tiên không có sự xuất hiện của hãng xe hơi Aston Martin. Thay vào đó, diễn viên Bond Pierce Brosnan đã sử dụng một chiếc BMW Z3. Mặc dù Z3 không được bày bán ngay sau khi bộ phim khởi chiếu nhưng BMW đã nhận được 9.000 đơn đặt hàng cho chiếc xe chỉ trong một tháng sau khi bộ phim ra rạp.
3.4. Promotion – Xúc tiến
Mục tiêu của hoạt động xúc tiến đó là là truyền thông cho người tiêu dùng rằng họ cần sản phẩm này với mức giá phù hợp. Xúc tiến bao gồm quảng cáo, quan hệ công chúng và chiến lược truyền thông tổng thể để giới thiệu sản phẩm.
Các marketers có xu hướng kết hợp nhiều công cụ với nhau để có thể tiếp cận tốt nhất đối tượng mục tiêu của họ. Ví dụ như trong thời đại kỹ thuật số, các yếu tố “phân phối” và “xúc tiến” được chuyển đổi dưới hình thức trực tuyến với số lượng tương đương như hình thức ngoại tuyến. Có thể kể đến như vị trí sản phẩm xuất hiện trên trang web của công ty hoặc trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Một ví dụ điển hình đó là thương hiệu rượu vodka của Thụy Điển Absolut chỉ bán được 10.000 thùng vodka vào năm 1980 nhưng đến năm 2000, con số này đã đạt mức 4,5 triệu thùng một phần nhờ vào chiến dịch quảng cáo mang tính biểu tượng của họ. Các hình ảnh trong chiến dịch làm nổi bật hình dáng vỏ chai đặc trưng của thương hiệu: chai có vầng hào quang, chai làm bằng đá hoặc chai có hình dạng của những cái cây đứng trên dốc trượt tuyết. Đến nay, chiến dịch Absolut vẫn là một trong những chiến dịch có thời gian triển khai dài nhất mọi thời đại, từ năm 1981 đến năm 2005
4. Cách áp dụng chiến lược marketing mix trong doanh nghiệp
Chiến lược marketing mix là yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến thành công của sản phẩm trong tương lai. Doanh nghiệp cần phân tích và xác định chính xác từng yếu tố trong chiến lược 4Ps. Tuy nhiên cũng không cần lo lắng khi các yếu tố chồng chéo lên nhau bởi đó là điều không thể tránh khỏi.
Đầu tiên, hãy phân tích thật kỹ sản phẩm mà doanh nghiệp dự định sẽ triển khai kế hoạch marketing. Điều gì khiến sản phẩm khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường? Do chất liệu bền vững, thân thiện với môi trường hay do sản phẩm dễ sử dụng hơn, bền hơn? Hãy xác định những đặc tính sẽ khiến sản phẩm hấp dẫn đối với người tiêu dùng mục tiêu của doanh nghiệp.
Sau đó, hãy phân tích kỹ lưỡng về mức giá phù hợp cho sản phẩm. Nó không chỉ đơn giản là chi phí sản xuất cộng với tỷ suất lợi nhuận. Doanh nghiệp có thể định vị nó như một sản phẩm cao cấp, sang trọng hoặc như một sản phẩm thay thế có giá thấp hơn các sản phẩm khác trên thị trường.
Phân phối liên quan đến việc xác định loại cửa hàng sẽ trưng bày sản phẩm: trực tuyến hay cửa hàng vật lý, từ đó cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Xúc tiến cần được xem xét trong bối cảnh phù hợp với khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp. Sản phẩm có thể hấp dẫn đối với rất nhiều loại khách hàng khác nhau như người tiêu dùng trẻ tuổi sành điệu hoặc các chuyên gia mua bán hay thậm chí cả những thợ săn khuyến mãi. Chiến lược truyền thông của doanh nghiệp cần tiếp cận đúng đối tượng với thông điệp phù hợp.
5. Khi nào thì 4Ps trở thành 7Ps
Tập trung vào bốn chữ Ps – sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiến – đã là nguyên lý marketing cốt lõi kể từ những năm 1950. Tuy nhiên gần đây, ba chữ Ps mới được bổ sung đã mở rộng hơn phạm vi của marketing ở thế kỷ 21.
- Thời điểm ngày xưa, mọi người chỉ tập trung vào các đặc tính của sản phẩm nhưng trong thời hiện đại ngày nay, họ còn chú ý đến thái độ của nhân viên bán hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng hay còn hơn thế là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và các chiến dịch truyền thông lan truyền của doanh nghiệp
- Người tiêu dùng ngày càng yêu cầu quy trình giao hàng phải nhanh chóng và hiệu quả: giao đúng những thứ họ muốn, trùng thời điểm khi họ có thể nhận hàng.
- Cơ sở vật chất hữu hình có lẽ là yếu tố hiện đại nhất trong bảy chữ P. Nếu doanh nghiệp đang bán đồ trang sức kim cương trên một trang web, doanh nghiệp cần cung cấp đủ thông tin để người tiêu dùng có thể chắc chắn rằng đây là một doanh nghiệp được thành lập hợp pháp và sẽ giao hàng như đã hứa chứ không phải một hình thức lừa đảo.
Ngoài ra, một trang web được thiết kế chuyên nghiệp với các chức năng dễ sử dụng, cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết và địa chỉ thực của công ty với dịch vụ đóng gói chuyên nghiệp và dịch vụ giao hàng hiệu quả, tất cả đều rất ảnh hưởng lớn đến việc thuyết phục người tiêu dùng rằng sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ tốt mà còn có thật.
6. Kết luận
Chiến lược marketing mix bao gồm 4 yếu tố cốt lõi: sản phẩm, giá cả, phân phối, xúc tiến và ba yếu tố mở rộng: con người, quy trình và cơ sở vật chất hữu hình. Đây đều là những yếu tố quan trọng liên quan trực tiếp đến việc lập kế hoạch và marketing cho một sản phẩm hoặc dịch vụ, và chúng tương tác, ảnh hướng rất nhiều tới nhau. Doanh nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng tất cả các yếu tố để có thể tiếp cận một chiến lược marketing mix toàn diện. Hy vọng bài viết của Aslanr Agency đã phần nào giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này.