PPC là một hình thức quảng cáo “hút” traffic cực kỳ hiệu quả. Vậy PPC là gì? Nó hoạt động như thế nào? Giữa PPC và SEO có gì khác nhau? Cùng Aslanr Agency tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.
1. PPC là gì?
PPC (Pay-Per-Click) là một hình thức quảng cáo trực tuyến trong đó các nhà quảng cáo trả phí cho mỗi lần nhấp chuột (click). Số tiền mà bạn trả sẽ dựa trên giá thầu bạn đặt cho cho chiến dịch quảng cáo đó.
Ví dụ: nếu bạn đặt giá thầu cho mỗi lần nhấp chuột là 10.000 VNĐ thì bạn có thể trả ít hơn 10.000 VNĐ cho mỗi lần nhận được lượt click. “Có thể” ở đây chỉ xảy ra nếu đối thủ cạnh tranh tiếp theo đặt giá thầu thấp hơn so với bạn, chẳng hạn họ đặt 6.000 VNĐ cho từ khóa đó. Tuy nhiên, nếu đối thủ của bạn sẵn sàng trả giá cao hơn (15.000 VNĐ/click) thì quảng cáo của họ sẽ được ưu tiên hiển thị tại vị trí cao hơn.
PPC cho phép bạn đặt quảng cáo trên trang kết quả của các công cụ tìm kiếm như (Google, Bing, Yahoo), mạng xã hội,…
Mục tiêu của quảng cáo PPC là tăng số lượt click vào trang web hoặc ứng dụng của nhà quảng cáo, sau đó chuyển những khách hàng tiềm năng này thành khách hàng có giao dịch, chẳng hạn như mua sản phẩm, đăng ký khóa học,…
2. PPC hoạt động như thế nào?
Như đã đề cập trong phần khái niệm PPC là gì, cách thức hoạt động của hình thức PPC phụ thuộc nhiều vào giá thầu mà bạn đặt, những cuộc đấu giá này là những mắt xích quan trọng trong quyết định hiển thị của các mạng quảng cáo như Google Ads hay Facebook Ads.
Chẳng hạn, mỗi khi có một vị trí quảng cáo xuất hiện trên SERP (trang kết quả của công cụ tìm kiếm), một cuộc đấu giá cho từ khóa đó sẽ diễn ra ngay lập tức. Sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm số tiền đặt giá thầu và chất lượng của copy quảng cáo sẽ quyết định người chiến thắng sẽ xuất hiện ở vị trí trên cùng trong khoảng không quảng cáo.
2.1. Vậy hoạt động đấu giá trên Google diễn ra như thế nào?
Khi người dùng tìm kiếm một cụm từ khóa bất kỳ, Google sẽ xác định xem có nhà quảng cáo nào đặt giá thầu cho từ khóa đó hay không. Nếu không, kết quả tìm kiếm tự nhiên sẽ được hiển thị. Nếu có, một phiên đấu giá liên quan đến từ khóa đó sẽ được kích hoạt. Những quảng cáo chiến thắng trong cuộc đấu giá sẽ xuất hiện trên SERP.
2.2. Các yếu tố quan trọng trong quy trình đấu giá
2.2.1. Từ khóa
Từ khóa (keyword) là trung tâm của PPC, kết nối nhà quảng cáo với truy vấn tìm kiếm của người dùng.
- Truy vấn là những từ thực tế mà người dùng nhập vào ô tìm kiếm của công cụ tìm kiếm để tìm kết quả.
- Từ khóa là những từ marketer sử dụng để nhắm mục tiêu những người dùng này bằng cách đối sánh với các truy vấn tìm kiếm của họ.
Các từ khóa hoạt động như một bản tóm tắt tổng quát của một loạt các truy vấn tìm kiếm, thường những truy vấn này dễ mắc các lỗi như sai chính tả.
Tùy thuộc vào loại đối sánh từ khóa, nhà quảng cáo có thể đối sánh các truy vấn tìm kiếm với độ chính xác cao hơn hoặc thấp hơn.
Ví dụ: nhà quảng cáo có thể chọn đối sánh chính xác từ khóa với các truy vấn tìm kiếm hoặc cho phép các biến thể như cách viết khác nhau, cách sắp xếp khác nhau của các từ hoặc bao gồm các từ khác. Bạn cũng có thể sử dụng các từ khóa phủ định vào chiến dịch hoặc nhóm quảng cáo của mình để không hiển thị với những ai đang tìm kiếm cụm từ đó và tránh lưu lượng truy cập không liên quan.
2.2.2. Quảng cáo (Ads)
Các từ khóa sẽ được lồng ghép trong các nhóm quảng cáo nhắm mục tiêu. Những từ khóa này được chia sẻ và phân loại theo các chủ đề chung.
Quảng cáo sẽ được hiển thị với người dùng nếu bạn thắng cuộc đấu giá, do đó các quảng cáo cần phải có đầy đủ tiêu đề, dòng mô tả và URL.
Trên SERP, quảng cáo thường được thể hiển thị ở đầu trang kết quả tìm kiếm hoặc cũng có thể xuất hiện ở cuối trang.
2.2.3. Ngân sách & Giá thầu
Để tham gia đấu giá, nhà quảng cáo cần quyết định số tiền họ sẵn sàng chi cho một từ khóa nhất định.
Một số lưu ý khi đặt ngân sách và giá thầu cho chiến dịch quảng cáo:
- Ngân sách được đặt ở cấp chiến dịch, có thể chi tiêu vượt mức hàng ngày, nhưng không được vượt quá mức chi hàng tháng.
- Ngân sách phải được đặt theo chiến lược tài khoản tổng thể và giá thầu là cách kiểm soát chi tiêu chính xác hơn.
- Tất cả các nhóm quảng cáo đều phải đặt giá thầu, nhưng giá thầu cấp từ khóa cần được ưu tiên ghi đè giá thầu cấp nhóm quảng cáo.
Nhiều nhà quảng cáo ngày nay thường sử dụng chiến lược đặt giá thầu tự động. Chiến lược này cho phép nhà quảng cáo đặt mục tiêu cụ thể cho các chiến dịch của họ và sau đó yêu cầu nền tảng quảng cáo xác định giá thầu phù hợp nhất cho mỗi phiên đấu giá.
Do hệ thống RTB (Real-time bidding), số tiền thực tế mà nhà quảng cáo trả sẽ phụ thuộc vào hoạt động của đối thủ cạnh tranh và xếp hạng quảng cáo.
2.2.4. Xếp hạng quảng cáo
Giá thầu cao không phải là yếu tố duy nhất quyết định chiến thắng trong một cuộc đấu giá. Các công cụ tìm kiếm sẽ xem xét các yếu tố khác để xác định quảng cáo nào sẽ ở vị trí cao nhất và có giá trị nhất trên SERP.
Chẳng hạn Google sẽ đánh giá dựa trên các yếu tố:
- Số tiền dự thầu.
- Chất lượng và mức độ liên quan của quảng cáo.
- Ngữ cảnh tìm kiếm (chẳng hạn như thiết bị của người dùng và thời gian tìm kiếm trong ngày).
- Loại định dạng quảng cáo
Mức độ liên quan của quảng cáo được xác định dựa trên Điểm Chất lượng, bao gồm các yếu tố sau:
- Lịch sử tỷ lệ nhấp (CTR)
- Mức độ liên quan của từ khóa với quảng cáo.
- Mức độ liên quan của từ khóa và quảng cáo với truy vấn tìm kiếm.
- Chất lượng landing page.
Mức độ liên quan của quảng cáo là rất quan trọng và cần thiết, điểm chất lượng càng cao thì CPC càng thấp.
Các công cụ tìm kiếm thường phạt các nhà quảng cáo đặt giá thầu trên các từ khóa có Điểm chất lượng thấp bằng cách hạn chế hiển thị quảng cáo của họ, ngay cả khi họ đặt giá thầu cao.
Chất lượng landing page cũng là yếu tố không nên bị bỏ qua; quảng cáo sẽ ít hiển thị hơn khi chúng trỏ đến các trang web có trải nghiệm người dùng kém. Landing page phải phù hợp với người dùng, tốc độ tải nhanh và cung cấp trải nghiệm người dùng tổng thể một cách mượt mà.
3. Các loại quảng cáo PPC
3.1. Quảng cáo tìm kiếm – Search Ads
Quảng cáo tìm kiếm có trả phí là loại quảng cáo PPC phổ biến nhất. Những quảng cáo này sẽ xuất hiện trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm nếu truy vấn của người dùng có chứa từ khóa mà nhà quảng cáo đã nhắm đến trước đó.
Quảng cáo tìm kiếm PPC sử dụng hệ thống đấu giá để quyết định xem quảng cáo nào sẽ xuất hiện và số tiền mà nhà quảng cáo phải trả.
Hầu hết các nhà quảng cáo sử dụng hình thức paid search này đều chọn Google Ads là nền tảng để quảng cáo doanh nghiệp trên Google. Một tùy chọn khác cũng được nhiều nhà quảng cáo lựa chọn là Microsoft Advertising để quảng cáo trên công cụ tìm kiếm Bing. Theo Statcounter, từ tháng 02/2021 – 02/2022, Google chiếm tới 92,01% thị trường công cụ tìm kiếm trên toàn thế giới, Bing xếp thứ 2 với 2,96%. Mặc dù vậy, Bing thường có giá nhấp chuột thấp hơn và có nhiều tính năng tìm kiếm vượt trội không hề kém cạnh Google, do đó đây sẽ là một bổ sung hữu ích để cải thiện kết quả của chiến dịch quảng cáo.
3.2. Quảng cáo hiển thị – Display Ads
Quảng cáo hiển thị khác với quảng cáo tìm kiếm PPC ở chỗ: Quảng cáo tìm kiếm chỉ hiển thị với những người dùng đang tìm kiếm thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, còn quảng cáo hiển thị sẽ xuất hiện trước mặt những người dùng có thể quan tâm đến sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, quảng cáo hiển thị thường có tỷ lệ chuyển đổi thấp hơn quảng cáo tìm kiếm PPC. Tuy nhiên, theo công bố của Google, hiện họ có hơn 2 triệu trang web trong Mạng hiển thị của mình với khả năng tiếp cận 90% người dùng trên internet, vì vậy, bạn có thể sử dụng loại quảng cáo này để gia tăng nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp.
3.3. Quảng cáo mạng xã hội – Paid social ads
Quảng cáo mạng xã hội là các quảng cáo xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, LinkedIn, TikTok,…
Các nền tảng mạng xã hội cung cấp nhiều loại quảng cáo khác nhau với các kích thước khác nhau. Nhiều nền tảng quảng cáo xã hội còn cho phép bạn tạo cả quảng cáo video và quảng cáo hình ảnh.
3.4. Quảng cáo tiếp thị lại – Remarketing Ads
Remarketing hiển thị quảng cáo cho những người dùng đã truy cập vào một trang web dựa trên hành vi trực tuyến của họ. Đây là một chiến dịch PPC rất có lợi nhuận, thường được sử dụng để đưa những khách hàng đã gần chuyển đổi trở lại kênh bán hàng hoặc bán thêm/bán chéo nhiều sản phẩm hơn cho cơ sở khách hàng hiện tại.
Dưới đây là một số ví dụ về danh sách đối tượng có thể được tạo và nhắm mục tiêu thông qua chiến dịch remarketing của Google:
- Tất cả người dùng trước đây
- Đã mua hàng từ trang web
- Đã đăng ký nhận bản tin
- Những người dùng đã xem video YouTube của doanh nghiệp
- Người từ bỏ giỏ hàng
- Đã dành hơn x giây trên trang web nhưng không thực hiện chuyển đổi
Trong Google Ads, bạn có thể tạo hai loại chiến dịch Display Remarketing:
- Chiến dịch Remarketing tiêu chuẩn: Người dùng sẽ nhìn thấy các quảng cáo hiển thị chung.
- Chiến dịch Dynamic Remarketing: Người dùng sẽ nhìn thấy hình ảnh của các sản phẩm thực tế mà họ đã xem khi ở trên trang web của bạn.
4. Quảng cáo PPC giá bao nhiêu?
Giá của quảng cáo PPC chủ yếu dựa vào lĩnh vực kinh doanh của bạn. Nếu bạn sở hữu một thương hiệu quần áo bạn có thể trả 1$ cho mỗi lần nhấp, trong khi nếu sở hữu công ty bất động sản bạn có thể trả tới 5 -7$ cho mỗi lần nhấp.
Các công ty bảo hiểm hay luật sự phải trả hơn 20 đô la Mỹ cho mỗi lần nhấp chuột. Một số giá thầu các ngành cạnh tranh hàng đầu thậm chí còn vượt qua 50 đô la Mỹ cho mỗi lần nhấp chuột
5. Sự khác nhau giữa SEO và PPC là gì?
5.1. Vị trí trong Kết quả Tìm kiếm
Trên trang kết quả tìm kiếm, quảng cáo PPC sẽ ở trên (hoặc có thể có thêm một vài vị trí bên dưới) kết quả của SEO. Bạn hoàn toàn có thể đạt được vị trí đầu trang với SEO, tuy nhiên, cách thức để đạt được vị trí này giữa SEO và PPC lại hoàn toàn khác nhau.
- SEO: Vị trí đầu trang có được nhờ các phương pháp giúp cải thiện thứ hạng của một website trên SERPs mà không cần trả phí.
- PPC: Vị trí đầu trang có được bằng cách trả phí cho mỗi lượt click.
5.2. Giá cả
Sự khác nhau cơ bản nhất giữa SEO và PCC là gì? Đó là SEO có lượng truy cập tự nhiên (organic traffic), còn PPC sử dụng lượng truy cập lượng truy cập có trả phí. Mặc dù vậy, để đạt được thứ hạng cao nhờ SEO đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và phải trải qua một khoảng thời gian dài mới có được traffic miễn phí từ công cụ tìm kiếm. Nhìn chung thì chi phí của PPC cao hơn SEO và về lâu dài lượng traffic thu được của SEO nhiều hơn và chất lượng hơn so với PPC.
- SEO: Chi phí của SEO là gián tiếp vì bạn không thể trả tiền để có được vị trí cao trên kết quả tìm kiếm nhưng có thể phải chi trả cho các dịch vụ SEO ngoài nếu chưa có kinh nghiệm.
- PPC: Bạn phải trả tiền khi mọi người nhấp vào quảng cáo của bạn.
5.3. Lượng truy cập tiềm năng
SEO giúp bạn có thể nhận được nhiều lưu lượng truy cập miễn phí và liên tục so với PPC miễn là bạn có thể quản lý và duy trì thứ hạng trang web của mình (tốt nhất là 5 vị trí đầu tiên trên trang kết quả tìm kiếm) cho từ khóa bạn muốn. Tuy nhiên, quảng cáo PPC vẫn có thể nhận được nhiều lưu lượng truy cập hơn nhưng điều này đồng nghĩa với việc là bạn phải trả nhiều tiền hơn.
5.4. Tỉ lệ chuyển đổi
Khả năng chuyển đổi (mua hàng, đăng ký thành viên,…) của PPC thường cao hơn so với khách truy cập đến từ SEO. Lý do là bởi một trang web có thể xếp hạng cho nhiều từ khóa khác nhau ngoài từ khóa chính, vì vậy nội dung chính xác mà khách truy cập tìm kiếm có thể không được trình bày trong trang cụ thể.
Mặt khác với PPC, bạn sẽ nhắm mục tiêu chính xác đến những khách hàng đang trực tiếp quan tâm đến nội dung hoặc sản phẩm của mình.
5.5. Dễ sử dụng
Sau khi tìm hiểu PCC là gì bạn sẽ thấy cả SEO và PPC đều không dễ thực hiện và mang lại hiệu quả nếu bạn không có đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm về hai phương pháp này.
SEO là một quá trình mất nhiều thời gian và công sức, trong khi đó PPC có thể mang lại kết quả nhanh hơn nhưng bù lại cũng tiêu tốn nhiều chi phí hơn. Do đó, nếu website của bạn còn mới, lưu lượng truy cập chưa ổn định thì bạn nên cân nhắc sử dụng PPC trước và SEO sau.
6. Kết luận
PPC là hình thức quảng cáo hiệu quả giúp mang lại traffic một cách nhanh chóng và tăng khả năng tạo ra chuyển đổi cho doanh nghiệp. Hiện có nhiều loại quảng cáo PPC khác nhau để bạn lựa chọn và triển khai để mang lại kết quả tốt nhất. Hy vọng những thông tin trong bài viết trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm PPC là gì cũng như sự khác nhau cơ bản giữa PPC và SEO.